Các mô hình nhượng quyền thương hiệu được phân loại dựa vào những tiêu chí, hình thức khác nhau. Trong bài viết này, franchise SUCCESS sẽ chia sẻ cụ thể để bạn đọc hiểu rõ ràng nhất về đặc điểm, thuận lợi cũng như thách thức khi nhượng quyền theo các mô hình này.
Nhượng quyền thương hiệu, dưới góc độ pháp lý có thể hiểu là một loại giấy phép do tổ chức này cấp cho 1 cá nhân hoặc doanh nghiệp khác. Nhưng về cốt lõi, nhượng quyền thương hiệu thực sự là mối quan hệ giữa người với người.
Nhu cầu về việc nhượng quyền thương hiệu xuất hiện khi bên nhượng quyền sở hữu một tài sản thương hiệu đủ lớn và đã hoạt động có lãi. Họ muốn mở rộng thương hiệu nhưng không đủ khả năng tài chính.

Thông thường, khi nhượng quyền, bên nhượng quyền sẽ cung cấp cho bên nhận quyền các tài sản thương hiệu, hỗ trợ kinh doanh cũng như đào tạo và hướng dẫn vận hành. Song song đó là một số quyền kiểm soát để bảo vệ thương hiệu của mình.
Để đổi lấy những điều này thì bên nhận quyền sẽ phải trả cho bên nhượng quyền một khoản chi phí nhượng quyền ban đầu và phí bản quyền liên tục cho hoạt động kinh doanh trong những năm tiếp theo.
Để hiểu rõ hơn, franchise SUCCESS sẽ đi vào phân tích rõ các loại mô hình nhượng quyền.
Phân loại mô hình nhượng quyền theo tính toàn vẹn
Dựa vào tính toàn vẹn của mô hình nhượng quyền thương hiệu, có thể phân thành 2 loại mô hình: nhượng quyền theo cách truyền thống (tên thương hiệu hoặc phân phối sản phẩm) và nhượng quyền theo mô hình kinh doanh (đây là mô hình phổ biến nhất).
Mô hình nhượng quyền truyền thống
Theo mô hình truyền thống sẽ gồm nhượng quyền tên thương hiệu hoặc phân phối sản phẩm của thương hiệu. Điển hình cho hình thức này có thể kể đến các thương hiệu nước giải khát như Pepsi, Coca-Cola…
Mô hình nhượng quyền hiện đại
Còn được gọi là nhượng quyền mô hình kinh doanh. Đối với mô hình này, bên nhận nhượng quyền sẽ được cung cấp giấy phép tên thương mại, sản phẩm được bán, phương pháp hoạt động, cách marketing, quy trình kiểm tra chất lượng, bán hàng… Ví dụ nổi bật cho mô hình này là KFC, McDonald’s…

So sánh mô hình nhượng quyền truyền thống và hiện đại
Về mức độ chi tiết
Nhượng quyền truyền thống có độ chi tiết và chiều sâu thỏa thuận ở mức thấp cho đến vừa phải. Còn nhượng quyền hiện đại (mô hình kinh doanh) ở mức cao.
Về tên thương hiệu
Tên thương hiệu có thể được sử dụng trong tên đơn vị nhận quyền hoặc không đối với mô hình nhượng quyền truyền thống. Tuy nhiên, đối với mô hình nhượng quyền kinh doanh thì bắt buộc phải sử dụng tên thương hiệu nhượng quyền.
Về phí nhượng quyền liên tục
Phí nhượng quyền liên tục của mô hình hiện đại gồm tiền bản quyền hàng tháng và chi phí quản lý (hỗ trợ đào tạo và tiếp thị). Còn với mô hình hiện đại, nhượng quyền truyền thống chỉ cần thanh toán tiền bản quyền hàng tháng (nếu có).
Về mức độ hỗ trợ đào tạo
Mức độ hỗ trợ đào tạo của mô hình hiện đại cao hơn so với mô hình truyền thống.
Phân loại mô hình nhượng quyền theo loại hợp đồng
Dựa vào loại hợp đồng nhượng quyền có thể phân loại các mô hình nhượng quyền như sau:

Mô hình nhượng quyền đơn lẻ/nhượng quyền 1 cơ sở kinh doanh (Single Unit)
Đối với mô hình này, bên nhận nhượng quyền có thể mở và vận hành một đơn vị nhượng quyền đơn lẻ. Những thuận lợi của mô hình này đó là:
- Bên nhận quyền được sự hỗ trợ trực tiếp từ bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền có thể kiểm soát tốt hơn và loại bỏ được cách thách thức tiềm năng nếu có.
- Chủ thương hiệu nhận quyền kiểm soát trực tiếp được chất lượng cửa hàng.
- Kế hoạch mở rộng đơn vị nhận quyền được thúc đẩy nhanh hơn do bên nhượng quyền không bị giới hạn về khả năng, nguồn lực của đại lý độc quyền.
Tuy nhiên, mô hình nhượng quyền đơn lẻ cũng gặp phải những thách thức:
- Bên nhượng quyền cần thời gian và nguồn lực để giám sát được các đơn vị nhận nhượng quyền.
- Do hạn chế về nguồn lực, nhượng quyền đơn lẻ thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh, dễ làm tăng rủi ro cho bên nhượng quyền.
- Hợp đồng nhượng quyền đơn lẻ ít khi đề cập tới tính độc quyền trong một khu vực nên có thể xảy ra vấn đề cạnh tranh trên cùng một thương hiệu.
Mô hình nhượng quyền đa đơn vị (Multiple Unit)
Trái ngược với Single Unit, hình thức nhượng quyền đa đơn vị tạo điều kiện cho bên nhận quyền mở và vận hành nhiều đơn vị nhượng quyền. Lợi ích khi thực hiện mô hình nhượng quyền đa đơn vị đó là:

- Bên nhận quyền theo mô hình đa đơn vị thường là công ty lớn/tập đoàn nên có nhiều kinh nghiệm kinh doanh. Điều này giúp bên nhượng quyền hòa vốn nhanh và tiết kiệm thời gian, nguồn lực hơn.
- Không có sự cạnh tranh trong 1 khu vực như mô hình đơn lẻ do các đơn vị đều thuộc sự quản lý của đại lý độc quyền.
Tuy nhiên, mô hình nhượng quyền đa đơn vị vẫn có một số thách thức sau:
- Khó tìm được một đại lý độc quyền (trừ khi bên nhượng quyền là thương hiệu nổi tiếng).
- Khả năng thương lượng của bên nhượng quyền với đại lý độc quyền sẽ không mạnh như với đơn vị đơn lẻ.
- Việc triển khai mô hình trong 1 khu vực có đại lý độc quyền sẽ mất thời gian do hạn chế về nguồn lực. Trong khi đó mô hình đơn lẻ lại có thể nhanh chóng hơn do đó là những nhà đầu tư cá nhân độc lập.
Trong hình thức này, chúng ta có thể phân tiếp thành 2 loại: Master Franchise và Area Development.
Đại lý độc quyền – Master Franchise
Đối với hình thức này, bên nhận quyền được mở nhiều đơn vị nhượng quyền và cũng có thể tái nhượng quyền cho đơn vị thứ 3. Khi tái nhượng quyền, bên nhận quyền sẽ đảm nhận một số trách nhiệm tương tự như bên nhượng quyền như cung cấp, hỗ trợ và đạo tạo… cũng như nhận được một tỷ lệ phần trăm nhất định về phí nhượng quyền trả trước và phí bản quyền.
Đại lý phát triển khu vực – Area Development
Khác với Master Franchise, đại lý phát triển khu vực có thể mở nhiều đơn vị nhượng quyền nhưng không có quyền nhượng quyền phụ cho một bên thứ 3.
Phân loại mô hình nhượng quyền theo phạm vi lãnh thổ
Đối với cách phân loại theo phạm vi lãnh thổ thì có thể chia thành các mô hình nhượng quyền sau:
- Nhượng quyền thương hiệu trong nước. Ví dụ như AHA Coffee, Milano Coffee, E – Coffee…
- Nhượng quyền thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam. Ví dụ như Gongcha, Pizza Hut, McDonald’s, Lotteria, nhượng quyền thương hiệu gà rán BBQ Chicken…
- Nhượng quyền thương hiệu từ Việt Nam sang nước ngoài. Ví dụ như Phở 24, Highland Coffee…

Các hình thức phân loại mô hình nhượng quyền khác
Ngoài 3 hình thức phân loại trên, chúng ta có thể phân loại mô hình nhượng quyền theo một số yếu tố khác như sau:
- Dựa vào mức độ tham gia đầu tư, chia thành nhượng quyền không bỏ vốn đầu tư và nhượng quyền có góp vốn đầu tư. Đối với nhượng quyền có góp vốn đầu tư, bên nhượng quyền sẽ góp vốn bằng chính phần tiền thanh toán trước chi phí nhượng quyền lần đầu.
- Dựa vào mức độ kiểm soát, chia thành nhượng quyền tham gia quản lý vận hành và nhượng quyền không tham gia quản lý vận hành. Đối với nhượng quyền tham gia quản lý vận hành, chúng ta có thể thấy phổ biến nhất với các thương hiệu khách sạn quốc tế.
Lời kết
Có thể thấy, mô hình nhượng quyền thương hiệu rất đa dạng. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp cần dựa vào mong muốn cũng như năng lực của bản thân để lựa chọn loại hình phù hợp nhất để đầu tư. franchise SUCCESS chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn nhượng quyền tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Với đội ngũ chuyên viên uy tín và giàu kinh nghiệm, chúng tôi sẽ đưa ra những phân tích, nhận định để cá nhân, doanh nghiệp có sự đầu tư phù hợp nhất. Hãy liên hệ theo số Hotline để được tư vấn nhanh chóng và chi tiết nhất.